Nói và viết cũng như ca tụng Thầy Tuệ Sỹ thì lâu nay đã có quá nhiều bài viết về nhiều thể loại khác nhau như: Văn Hóa Phật Giáo, Văn Chương, Thi Ca, Âm Nhạc v.v... nhưng để hiểu về tư tưởng của Thầy Tuệ Sỹ thì cần phải đọc hết tuyển tập nầy, chúng ta sẽ có được nhiều nhận xét hơn. Đã là “Viên Ngọc Quý” như cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ nhận xét về Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, thì còn gì quý hơn ngọc trên đời nầy nữa mà chúng ta phải viết về những vị Danh Tăng, Danh Ni nầy; nhưng hôm nay Đạo Hữu Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức muốn tôi viết lời giới thiệu tuyển tập nầy về Thầy Tuệ Sỹ thì tôi xin có vài lời trang trọng giới thiệu như sau.
Từ những năm 1969 đến năm 1971 khi tôi ở miền Trung vào Sài Gòn để học Trung Học đệ nhị cấp tại trường Văn Học và Cộng Hòa thì Thầy Tuệ Sỹ đang là Chủ Bút tờ Tư Tưởng và là Giáo Sư của Viện Đại Học Vạn Hạnh rồi. Tôi đã đọc Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ dạo đó, mà Thầy Tuệ Sỹ là một Tăng Sĩ trí thức đương thời, khi ai nghe qua Đạo Hiệu nầy cũng đều phải thán phục.
Rồi những năm sau đó tôi sang Nhật Bản du học, việc đọc tờ Tư Tưởng không có điều kiện nữa, nên cũng không biết về sinh hoạt của Thầy Tuệ Sỹ nhiều. Mãi đến những năm 1975 đến 1981 là giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải đương đầu với sự đàn áp của người cộng sản Việt Nam thì hình ảnh của chư Tôn Hòa Thượng: Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, chư Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Trí Siêu, Ni Sư Trí Hải v.v... lại hiện lên rất rõ nét với chúng tôi, với những Tăng Ni vẫn còn một lòng kiên trinh với Giáo Hội Mẹ tại quê nhà. Nhất là khi hay tin Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Lê Mạnh Thát bị án tử hình thì hầu như không có cuộc biểu tình nào tại Bonn (lúc ấy thủ đô của Tây Đức vẫn còn đóng tại Bonn) mà chúng tôi không tham gia. Cũng từ đó chúng tôi quen biết được người em gái duy nhất của Thầy Tuệ Sỹ đã từ Pháp sang Đức tham gia và phát biểu trong những cuộc biểu tình đối với cộng sản Việt Nam về việc đàn áp nầy trước sứ quán của họ. Kể từ đó cho đến nay tôi có được nhân duyên chỉ để nghe Thầy Tuệ Sỹ qua cặp vợ chồng em gái của Thầy Tuệ Sỹ mà thôi.
Rồi một hôm nhân đọc quyển “Thần Chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, mà trong đó đa phần giải thích về Phạn Ngữ; nhưng ngôn ngữ nầy hầu như tôi không đọc cũng như viết được chữ nào; nên tôi đã viết E Mail và sau đó là lần đầu tiên trực tiếp điện thoại với Thầy Tuệ Sỹ, đã được Thầy giải thích cho những từ ngữ về Phạn Ngữ của bậc “Quảng Học Đa Văn”; nên từ đó đến nay tôi lại có nhân duyên biết về Thầy Tuệ Sỹ nhiều hơn, mặc dầu Thầy đang ở tại thất Hương Tích, Việt Nam, trong khi tôi vẫn đang cư ngụ tại Đức.
Nhân duyên khác nữa là tôi phát nguyện đọc bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Việt, nhan đề là Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Bộ nầy có tất cả là 203 tập mà cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho dịch ra Việt Ngữ từ “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” bằng chữ Hán. Trong đó bộ Tạp A Hàm cũng như nhiều phần khác trong phần đầu của Đại Tạng Việt nầy Thầy Tuệ Sỹ đã bỏ công ra phiên dịch từ Hán Văn ra Việt Ngữ và chú thích rất mạch lạc, hầu như không có một lỗi nào cả. Thật là quá tuyệt vời. Với công đức to lớn như vậy Thầy Tuệ Sỹ đã để lại cho Đời và cho Đạo không biết bao nhiêu là giá trị Vô Ngôn.
Nay Đạo Hữu Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức hiện cư trú tại Nam California Hoa Kỳ, thời trước năm 1975 cũng đã có cơ duyên cộng tác hỗ trợ Thầy Tuệ Sỹ ở nhiều phương diện qua tạp chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh, đã có công sưu tập lại những bài viết của chính Thầy Tuệ Sỹ và của những học giả, văn nhân, thi sĩ ở trong cũng như ngoài nước, trước và sau năm 1975 cũng như mãi đến trong hiện tại, là một việc làm quá sức nhọc nhằn; nhưng đầy ý nghĩa. Do vậy tôi xin trang trọng cung kính giới thiệu tuyển tập nầy viết về Thầy Tuệ Sỹ như là một nén tâm hương xin gửi đến để tri ân vị Thầy vĩ đại của Dân Tộc và của Phật Giáo Việt Nam. Đó là Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong hiện tại của năm 2020 nầy.
THÍCH NHƯ ĐIỂN
Viết xong vào ngày rằm tháng tư năm Canh Tý, nhằm ngày 7 tháng 5 năm 2020, Phật Lịch 2564, Phật Đản Sanh lần thứ 2644 tại Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
IBAN: DE67 6039 0000 0747 7650 06
BIC: GENODES1BBV
Volksbank Reutlingen