Pagode Viên Quang
Tübingen, Deutschland


 


Tin Cập Nhật


Zurück zur Übersicht

17.02.2018

Những Ngọn Nến Vàng

(Bài viết nhân ngày Lễ Phật đầu năm Mậu Tuất, trong ngày mùng hai Tết tại Niệm Phật Đường Tam Bảo Reutlingen)

Buổi lễ Phật đầu năm Mậu Tuất trong ánh sáng lung linh của những ngọn đèn vàng (đèn cầy). Những ngọn đèn được truyền nhau từ trên xuống dưới để mỗi Phật Tử đều có một cây trong tay. Ánh sáng đến. Chánh điện lung linh chan hòa.

Sau khi chắp tay với ngọn nến vàng đọc những bài kinh do vị trụ trì hướng dẫn, mỗi người tự đem đèn cầy lên đặt trên mâm vàng cạnh tôn tượng các vị Phật. Nhìn những ngọn đèn cầy người viết nghĩ đến những sát-na của cuộc đời. Có ngọn đèn còn cháy, có ngọn đèn đã tắt, rồi tiếp tục được mồi lại. Ấy phải chăng là duyên nghiệp trong đời của mỗi sinh vật, của mỗi cuộc đời của con người? Còn sáng là còn lăn lộn trong trần thế này; còn tắt, có phải là nhắm mắt xuôi tay để về một thế giới khác; còn mồi cháy lại có phải là vượt qua căn bịnh hiểm nghèo để trụ lại với thế gian thêm một thời gian nữa?

Trong chùa, thường ánh sáng vàng và tiếng kinh với những tiếng mõ, chuông là những điều kiện khách quan làm cho mái chùa trở nên thiêng liêng và trầm mặc. Có thể có thêm hoa, quả, mùi hương để chánh điện nhà chùa thêm màu sắc, hương vị chùa, nhưng ánh sáng vàng và tiếng kinh có lẽ là chính trong suy nghĩ của người viết.

Những đêm về sáng, ở những miền thôn quê xa hẳn nới thành thị, phố hoa, đô hội, nếu chỉ nghe những tiếng chuông từ xa, tiếng mõ tụng trong mỗi buổi sáng, ngọn đèn màu vàng dù lợt lạt từ mái chùa của vị sư trong làng, ắt hẳn sẽ làm người dân ở quanh chùa cảm thấy ấm cúng hơn bao giờ hết, nhiều khi nó còn giúp đời đắc lực hơn là những chiếc „loa phường“ kêu gào trong mỗi buổi sáng, buổi chiều.

Nên nếu một ngày nào đó, buổi sáng tự nhiên không còn nghe tiếng chuông của ngôi chùa bên cạnh, không còn nghe tiếng mõ, không còn thấy ngọn đèn vàng trong chùa, người ngụ chung quanh sẽ thấy lạnh lẽo làm sao, lạc lỏng làm sao; còn với „loa phường“, nếu không còn nghe nữa, có lẽ mọi người càng vui hơn. Nên trong đời, thường điều gì thuyết phục được con người, thênh thang đi vào lòng người ắt hẳn sẽ trường tồn hơn những điều ép buộc, vì đến một lúc nào đó những điều ép buộc, độc đoán ấy sẽ bị chảy tràn ra như những tảng tuyết trong mùa đông lạnh khi gặp ánh mặt trời.

Sau buổi đọc kinh và bài Pháp Thoại đầu năm, như hằng năm kế đến là được Sư Cô Trụ Trì phát lộc cho mọi người và có buổi Ngọ Trai.

Về bài Pháp Thí. Sau khi đọc kinh lễ Phật đầu năm, sư cô đã ban cho Phật tử. Người viết cảm nhận, sư cô thuyết càng ngày càng hay, nhiều điều lạ từ kinh điển được sư cô đem ra giảng giải, ắt hẳn sư cô đã đọc, học và nghe thêm rất nhiều từ kinh sách. Nội dung chính của bài Pháp Thí xin được tóm tắt như sau: Một vị Tỳ Kheo, tu đã lâu, thấy không chịu đựng nổi quá nhiều giới luật cho một người đi tu bèn trốn ra khỏi chùa. Đức Phật biết việc này, nên hiện ra đón đường vị Tỳ Kheo, hỏi nguyên nhân vì sao rời chùa, không còn muốn tu nữa. Vị Tỳ Kheo trình bày thật: Nhiều giới luật quá con giữ không nổi! Đức Phật nói: Nếu con thấy nhiều giới luật con giữ không nổi thì bây giờ ta chỉ cần con giữ một giới luật mà thôi, con chịu không? Vị Tỳ Kheo đồng ý, Đức Phật nói tiếp: Giới luật đó là….

Nếu muốn biết Đức Phật nói giới luật gì, xin các Đạo Hữu hỏi Sư Cô Trụ Trì NPĐ Tam Bảo, vì sự diễn giải của người viết qua lời giảng của Sư Cô đôi khi cũng không đúng hoàn toàn, sinh hiểu lầm cho các Đạo Hữu.

Con người vốn sống trong vòng trầm luân của cuộc đời, có lúc vui thì cũng có lúc buồn, hỉ nộ ái ố, nhưng vẫn giữ được tâm bình yên trước cuộc đời không phải ai cũng làm được. Những nhọc nhằn không làm nản chí, những lời được khen không làm tự cao, nhiều lúc cũng phải nhờ những lời giảng, tiếng kệ lời kinh trong những tôn giáo truyền dạy.

Bài viết ngắn, cảm nghiệm từ ngày lễ Phật đầu năm, xin gửi đến Quý Đạo hữu để cùng chiêm nghiệm.

Nam Mô A Di Đà Phật

Vũ Nam



Zurück zur Übersicht