Ngày 4 tháng 6 thời tiết thật sự đã vào hè. Khí hậu ấm áp hầu như trên cả nước Đức. Cây xanh đã đâm chồi nảy lộc từ lâu nay, gặp không khí tươi mát đã vươn lên như ngày có hội.
Cứ mỗi năm, mỗi Chùa, mỗi Tịnh Thất, mỗi Niệm Phật Đường ở Việt Nam hay trên toàn thế giới đều tổ chức ngày Đức Từ Phụ sinh ra đời-Ngày Lễ Phật Đản-vì vậy Niệm Phật Đường nơi chúng tôi cư ngụ, vùng Reutlingen-Tübingen, cạnh dòng sông Neckar, miền nam nước Đức, cũng không ra ngoài ngoại lệ.
(Viết đến tên con sông Neckar, sông ở quê hương thứ hai của mình, tôi bỗng nhớ da diết đến những con sông ở quê nhà. „Ôi sông quê, bao năm bên lở bên bồi...“, câu hát từ cô ca sĩ trong chương trình văn nghệ mà tôi được xem một lần nào đó, vẫn còn đọng trong tâm hồn tôi nỗi ngọt ngào thương nhớ đến những dòng sông... Rất may, ngôi chùa Tam Bảo mới chỉ nằm cạnh dòng sông Neckar khoảng 800 mét theo đường chim bay. Từ chùa nếu đi theo đường xe hơi thì phải đi đường vòng, hơi xa, còn đi bộ băng ngang đường xe lửa, đồng cỏ, ruộng vườn chắc chỉ cần nửa giờ đồng hồ là nhiều, tôi đoán vậy. Ôi, nếu chùa nằm được cạnh sát dòng sông thì không còn gì bằng!)
Năm nay, cũng như những năm trước, có khoảng 120 đạo hữu tề tựu về tham dự ngày Lễ Phật Đản. Ngoài đạo hữu Phật Tử tại địa phương, còn có các Phật Tử từ xa về như Stuttgart, Karlsruher,Gammertingen, Albstadt, Tennenbronn, Rottweil...
Dù năm nay Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, không về tham dự được, thay vào đó là hai vị Đại Đức Thích Hạnh Giới, trụ trì chùa Viên Giác và Thích Hạnh Bổn, trị sự chùa Viên Giác đã về nơi đây để cử hành Lễ Phật Đản Sanh.
Không khí yên tĩnh, Phật Tử đứng trang nghiêm trong chánh điện, giờ hành lễ bắt đầu, các vị lớn tuổi, hoặc đang là chi hội trưởng các chi hội Phật Tử đã rước hai vị Đại Đức, Sư Bà, Sư Cô quang lâm Chánh Điện.
Đạo hữu Vũ Xuân Phong đọc qua chương trình buổi Lễ và sau đó giới thiệu Đại Đức Thích Hạnh Giới làm chủ lễ. Thầy đọc kinh, mọi người đọc theo. Thầy tụng những bài kinh nhân ngày Khánh Đản, và đọc tụng Cầu Siêu, Cầu An cho thân nhân các Phật tử đã được ghi tên trong danh sách ở Niệm Phật Đường.
Sau phần nghi thức tụng niệm, chương trình văn nghệ ca nhạc mừng ngày Phật Đản được tiếp theo ngay với hai em bé Cát Ngọc và Cát Tường. Hai bé ca cúng dường nhạc phẩm „Rằm Tháng Tư“ theo nhạc phát ra từ đĩa CD. Mặc dù văn nghệ đơn giản, chỉ vài phút ca hát, nhưng điệu nhạc vui, lời ca hay, cũng đã làm mọi người trong chánh điện vui theo, xóa được không khí oi bức của mùa hè đang từ bên ngoài thổi vào chánh điện. Mọi người đều vỗ tay theo lời ca tiếng hát của hai bé.
Sau phần văn nghệ „bỏ túi“ Thầy Hạnh Giới bắt đầu thuyết pháp. Thật là lợi lạc khi ngồi nghe một bài giảng ngắn gọn, bình thường, nhưng thấm đậm Phật Pháp. Thật phúc cho những ai được nghe.
Điểm chính Thầy nhấn mạnh trong bài giảng là an nhiên trước sự khoe khoang của con người. Nếu ta có chánh niệm, hiểu được thấu đáo chuyện đời chuyện đạo, thì mọi điều khoe khoang của người đối diện không làm ta xao động, dù đó là bậc gì đi nữa.
Việc thứ hai là khi đến chùa, chuyện gì chúng ta cũng có thể giúp chùa được, không nhứt thiết phải việc lớn, việc quan trọng. Chuyện nhỏ nhặt như rửa chén, lặt rau, khiêng bàn xếp ghế v.v... cũng là giúp chùa.
Việc thứ ba, đi đến chùa là để tìm an lạc, khi về lại nhà là mang lợi lạc về nhà, chớ không phải mang những phiền muộn khi gặp phải ở chùa rồi về phân bua với chồng con trong gia đình.
Vì thời gian quá ít, Thầy đã tạm ngừng sau chưa đầy một giờ thuyết pháp, may mà chỉ có một đạo hữu xin đặt một câu hỏi về Phật Pháp dù Thầy không đề nghị cho Phật Tử đặt câu hỏi, như thông thường sau một thời thuyết Pháp của các Thầy.
Sau đó là đến phần sư cô Thích Nữ Hạnh Trang trình bày sơ lượt tiến trình và sự chắt mót tiền bạc cho việc mua và trùng tu xây dựng chùa Tam Bảo. Cô cho biết sư bà Thích Nữ Như Viên đã tích góp lâu nay từ tiền làm bánh, đi cúng đám, thùng Phước Sương, Phật Tử cùng dường v.v... ; còn bản thân Cô cũng đã dành dụm để dành được tiền xây dựng chùa qua những việc làm tương tự như Sư Bà. Sư Bà và Sư Cô hay tâm sự là nhờ công đức đóng góp của đồng bào Phật Tử tại địa phương và khắp nơi nên ngôi chùa mới mới có cơ may hình thành, và trong những ngày tới vì phải lo đến phần xây dựng chùa nên Sư Bà Sư Cô cũng rất cần sự đóng góp tiếp tục về công sức, tiền tài của Phật Tử và các nhà hảo tâm ở khắp mọi nơi trên nước Đức. Ngược lại, người viết cũng nhận ra là công đức của hai vị trụ trì chùa Tam Bảo trong tương lai thật vô cùng to lớn, cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại nói chung, và nói riêng là cho đồng bào Phật Tử tại địa phương nơi đây. Nghe qua phần tường trình của Sư Cô mọi người trong Niệm Phật Đường đều hoan hỉ và thán phục.
Lễ Tắm Phật Trước khi vào Lễ Tắm Phật Thầy Hạnh Giới đã nói sơ qua buổi Lễ và dặn kỷ là tắm Phật từ vai xuống, chớ đừng tắm từ đầu. Người viết thiển nghĩ chắc Thầy sợ cả trăm người tắm Phật như vậy sẽ mất tính cách thiêng liêng của buổi lễ, chớ nếu chỉ có một người thực hành Lễ Tắm Phật chắc không sao. Vì theo kinh sách ghi là dòng nước để tắm Phật từ trên trời tự rơi xuống. Xin trích một đoạn trong bài viết về Lễ Tắm Phật từ trong trang kinh của Phật Giáo để làm rõ ý nghĩa nghi thức này: „Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ hội Phật Đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi như là một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm.
Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử. sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyện Bổn Sanh (Nidānakatha). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại như trên ...“
Như mọi năm, năm nay Phật Tử ở Niệm Phật Đường Tam Bảo cũng được thưởng thức những món ăn chay rất ngon, do các đạo hữu ở Reutlingen và những vùng phụ cận cúng dường cho buổi Trai Soạn trong ngày Lễ Phật Đản.
Buổi chiều có hai sinh hoạt khác nhau:
Đại Đức Thích Hạnh Giới làm Lễ Quy Y cho 13 Phật Tử: 1 đạo hữu người Đức, 5 người Việt và 7 em bé người Việt Nam sinh ra ở Đức. Ngoài những đạo hữu Phật Tử Việt Nam lớn tuổi, người viết hy vọng với một đạo hữu người Đức và bảy em bé người Việt sẽ là những hạt mầm để thời gian tới nẩy nở thành những thân cây tốt, nồng cốt cho sinh hoạt Phật Giáo tại địa phương này. Cho người Việt và cả người bản xứ.
Chương trình xây dựng chùa Tam Bảo mới ở làng Bühl, thành phố Tübingen, theo như sư cô Thích Nữ Hạnh Trang, người chịu trách nhiệm trong việc tạo dựng chùa Tam Bảo cho biết, việc trùng tu, xây dựng chùa sẽ bắt đầu sau khi được chính quyền thành phố Tübingen đồng ý theo bảng thiết kế của kiến trúc sư, thời gian có thể phải chờ 3 đến 6 tháng nữa. Nhưng chuyện trước mắt là phải phân công phận sự, người chịu trách nhiệm, hoặc Phật Tử tình nguyện vào những công việc xây dựng chùa.
Buổi họp được các đạo hữu sau đây tình nguyện với các công việc:
- Hai đạo hữu Linh và Hòa chịu trách nhiệm xây dựng mái chùa và chánh điện.
- Đạo hữu Hùng (Göppingen) chịu trách nhiệm làm, xây dựng lò sưởi, ống nước.
- Còn việc khác và việc linh tinh như lót gạch, quét vôi, sơn tường, lót nền nhà cũng đã có nhiều đạo hữu tình nguyện phụ giúp.
Phần Cúng Chư Hương Linh, Cúng Dường Trai Tăng đã được quý Thầy, Sư và các đạo hữu Phật Tử có trách nhiệm đã hoàn thành viên mãn.
Buổi Lễ chấm dứt khoảng lúc 15 giờ cùng ngày trong sự hoan hỉ của tất cả mọi người.
Ngày 10 tháng 6, 2017
Người tường trình, Vũ Nam
IBAN: DE67 6039 0000 0747 7650 06
BIC: GENODES1BBV
Volksbank Reutlingen